Trang chủ / Blog / Ôm ước mơ làm nông nghiệp mặn

Ôm ước mơ làm nông nghiệp mặn



Ước mơ phủ xanh vùng đất mặn đã thôi thúc anh Lâm Quốc Nhựt (28 tuổi), ở ấp Tân Thành, xã Phú Tân, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau cùng các cộng sự nghiên cứu và thực hiện thành công Dự án “Trồng và phát triển cây chịu mặn, chịu hạn có giá trị kinh tế cao, thích ứng biến đổi khí hậu” (HALOFAI - Hương vị từ đất mặn).

1. Nuôi chí lớn từ ước mơ

Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất cuối trời Nam, từ nhỏ Lâm Quốc Nhựt đã chứng kiến biết bao đổi thay trên quê hương xứ sở. Là vùng chuyên canh tôm nổi tiếng khắp cả nước, thế nhưng hiện nay, người dân Cà Mau gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng của hạn, mặn. Dòng người lặng lẽ rời quê lên thành phố tìm việc làm ngày càng nhiều. Nhớ lại thời điểm ấy, Nhựt kể: “Mỗi lần về quê, thấy xóm làng đìu hiu, người trẻ đi lên thành phố kiếm việc làm hết, tôi cũng buồn. Bởi thế, tôi suy nghĩ phải tạo việc làm gì đó để giúp bà con gắn bó với quê hương”.

Nghĩ là làm! Tốt nghiệp ngành Cơ khí của trường Đại học Công nghệ TP.HCM và gắn bó với nghề một thời gian, Nhựt quyết định gác lại tất cả để theo đuổi ngành nông nghiệp. “Năm 2019, một lần đọc bài báo viết về hạn, mặn khốc liệt ở miền Tây, và chứng kiến bà con nông dân đang chịu nhiều thiệt hại do hạn, mặn đã thôi thúc tôi tìm hiểu về các loại cây trồng chịu được hạn, chịu được mặn để giúp bà con”, Lâm Quốc Nhựt trải lòng. Vậy là từ đó, vùng đất “Chín rồng” có thêm một anh nông dân trẻ quyết tâm học hỏi và trau dồi kiến thức để hiện thực hóa ước mơ của mình.

(Anh Lâm Quốc Nhựt giới thiệu sản phẩm của HALOFAI đến các cuộc thi)

Cha mẹ theo nghề thủy sản từ khi Nhựt còn bé, nhưng công việc kinh doanh gặp nhiều rủi ro, thất bại nên gia đình chuyển hướng quay về làm nông. Khó khăn không làm ông bà chùn bước, cả hai cố gắng làm lụng để cậu con trai được học hành đến nơi đến chốn. Ghi nhớ công ơn đấng sinh thành, từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Lâm Quốc Nhựt ý thức được rằng chỉ có học vấn là con đường nhanh nhất để thoát nghèo và chỉ có thay đổi tư duy làm nông mới giúp người nông dân đỡ vất vả. Nhựt chia sẻ: “Nông nghiệp mặn là ngành còn rất mới mẻ trên thế giới. Tôi và các bạn đã mất 3 năm để tạo ra một kịch bản hoàn chỉnh, dự phòng tất cả tình huống xảy ra và có giải pháp khắc phục để mang lại hiệu quả cao nhất”.

Từ giai đoạn “thai nghén” cho đến khi đứa con tinh thần chào đời, anh nông dân trẻ gặp phải vô vàn khó khăn: Nguồn tài chính hạn hẹp, nguồn nhân lực ít ỏi, bản thân anh phải kham cùng lúc nhiều việc, thế nhưng chưa bao giờ anh có suy nghĩ dừng lại. “Mệt thì mình tạm nghỉ, sau đó tiếp tục, không bao giờ mình đặt dấu chấm hết cho hành trình này”, anh mỉm cười, nụ cười hiền hòa như tiếp thêm sức mạnh, động viên chính bản thân phải nghị lực hơn.

May mắn thay, trên hành trình phủ xanh vùng đất mặn, Lâm Quốc Nhựt không đơn độc mà có sự đồng hành của hai người bạn cùng chí hướng. Đó là Nicholas Tan Shell - người Mỹ gốc Việt - và Nguyễn Thùy Vy - người con của quê hương xứ dừa Bến Tre. Nhận xét về anh Nhựt - thủ lĩnh trẻ tuổi nhất nhóm, cả hai cộng sự đều bày tỏ niềm tin tuyệt đối và cho rằng Nhựt là người có định hướng đúng đắn, cách làm việc khoa học, có đường lối rõ ràng, mang lại hiệu quả cao, xứng đáng là một “thuyền trưởng” lèo lái con tàu vượt qua nhiều sóng gió.

Thời điểm khi mới bắt đầu thực hiện ước mơ khởi đầu là dự án “Trồng và phát triển cây chịu mặn, chịu hạn có giá trị kinh tế cao, thích ứng biến đổi khí hậu”, anh Nhựt chỉ trồng những loại cây cơ bản, có thể tưới từ nguồn nước mặn. Không lâu sau, anh tìm hiểu và biết thêm nhiều cây trồng mới, rồi thuần hóa để trồng trên đất nhiễm mặn nhằm tạo thương hiệu cho HALOFAI nói riêng và cho Cà Mau nói chung. 

Hiện tại, Lâm Quốc Nhựt đã nghiên cứu và phát triển thử nghiệm gần 20 loài cây trồng chịu mặn cao, cùng một số cây trồng nước lợ. Trong đó, có các loại cây đã được trồng thành công gồm: măng tây biển, rau sam biển, rau nhót, rau dịu. Nổi bật là măng tây biển, được mệnh danh “cây trồng khó nhất thế giới”. Đây là loại cây nhập khẩu với sản lượng tương đối. Đồng thời quy trình trồng măng tây biển phức tạp, cần có kỹ thuật cao, thời gian nảy mầm lâu, khi lên cây con phải chăm sóc kỹ suốt một tháng rưỡi để cây trụ vững và phát triển tốt. Măng tây biển có ưu điểm chịu mặn cao. Ngoài ra, giống cây này chỉ cần gieo trồng một lần có thể thu hái được nhiều lần. 

Do đó, anh Nhựt đã phối hợp với ngành chức năng để tự sản xuất nhằm chủ động được nguồn giống thích ứng với điều kiện tự nhiên (đất, nước, khí hậu) tại Việt Nam. Theo anh, cách làm này sẽ giảm bớt chi phí đầu tư và anh có thể chuyển giao kỹ thuật cũng như nguồn giống cho người dân với chi phí thấp. Từ loại cây trồng chịu mặn, đến nay anh Nhựt đã sản xuất ra thêm nhiều sản phẩm.

Viên thực phẩm chức năng từ măng tây biển, kim chi rau nhót, thực phẩm chức năng của cây rau dịu và sam biển. Những sản phẩm này bước đầu được người tiêu dùng đánh giá cao và động viên anh tiếp tục phát huy. “Kim chi bằng rau nhót, nghe nó hơi lạ. Vì thế, mình cần phải lấy ý kiến của mọi người về hương vị - trong đó có những chuyên gia về ẩm thực, những người sành về ăn uống - để làm sao cho hương vị phù hợp nhất với người Việt Nam”, anh Nhựt thẳng thắn chia sẻ cách làm của mình.

2. Trái ngọt từ " Nông nghiệp mặn"

Mọi sự cố gắng của thanh niên 9x đã nhận về kết quả xứng đáng. Dự án “Trồng và phát triển cây chịu mặn, chịu hạn có giá trị kinh tế cao, thích ứng biến đổi khí hậu” đã giành giải Nhì từ cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp tỉnh Cà Mau năm 2021. Thành công nối tiếp thành công, Lâm Quốc Nhựt xuất sắc vượt qua hàng trăm dự án đến từ các thí sinh trong và ngoài khu vực miền Tây, “HALOFAI - Hương vị từ đất mặn Cà Mau” đạt giải nhất cuộc thi Khởi nghiệp ĐBSCL năm 2021, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) phối hợp Mạng lưới khởi nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long (MSN) tổ chức.

Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Cà Mau, cho biết: “Dự án sản phẩm được HALOFAI trồng và sản xuất cây có khả năng chịu mặn là mô hình mới nhất Việt Nam; cây rau có khả năng chịu mặn, dự án phù hợp với xu hướng ảnh hưởng biến đổi khí hậu như hiện nay”.

HALOFAI ra đời với mục tiêu cải thiện đời sống kinh tế của bà con nông dân, hướng đến giải quyết các vấn đề về môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Chia sẻ thêm về dự án này, Nhựt mong muốn đưa thương hiệu của quê hương Cà Mau đến gần hơn với bạn bè thế giới. Qua đó, nhằm khẳng định Việt Nam có những sản phẩm được trồng bằng nước mặn, mang hàm lượng công nghệ cao, có thể đáp ứng các tiêu chí nghiêm ngặt của thị trường. Thực tế cho thấy, một số vùng ở Cà Mau hầu như chỉ bỏ hoang vì không trồng được loại cây gì. Việc dùng nước mặn để tưới giúp cho hệ vi sinh trong cây trồng, đất đai sẽ thay đổi, góp phần thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp như hiện nay. Chưa dừng lại ở đó, diện tích bờ trên các vuông tôm người dân vẫn để trống, bây giờ có thể trồng các loại rau chịu mặn như ô rô nước mặn, măng tây biển... mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo nên bức tranh thiên nhiên sống động, trên rau, dưới ao đầy tôm cá.

Tuổi trẻ tài cao, nhưng nhà sáng lập HALOFAI luôn khiêm tốn và cho rằng, “chuyên môn chính của mình là trồng trọt nên mình cần tiếp thu, không ngừng học hỏi từ bạn bè, đồng nghiệp và các chuyên gia để nâng cao kiến thức”. Chàng trai trẻ Lâm Quốc Nhựt đang tiếp tục thức hiện ước mơ nghiên cứu phương án trồng cây trên mặt nước thay vì trồng trên bờ. Đây hứa hẹn sẽ là dự án đầy tiềm năng. Hy vọng trong tương lai gần, những người nông dân “chân lấm tay bùn” ở mảnh đất cực Nam của Tổ quốc sẽ không còn lo cảnh “trắng tay”, mất mùa do hạn, mặn “ghé thăm”./.

“Khi nhắc tới Cà Mau, người ta chỉ biết đến các loại thủy sản đặc trưng như tôm, cua, mà chưa có loại cây trồng nào có thương hiệu, nguồn gốc nước mặn. Tôi mong muốn trồng loại thực phẩm chịu mặn, để tăng thêm sinh kế từ những nguồn giống do chính mình làm ra”. Anh Lâm Quốc Nhựt chia sẻ

Ôm ước mơ làm nông nghiệp mặn