Cây Ô rô – câu chuyện cảm hứng
Câu chuyện của Lâm Quốc Nhựt, 29 tuổi, có sức thu hút ngay khi anh đặt câu hỏi đời sống trong vùng mặn, liệu có thể thay đổi được không? Câu trả lời của anh bắt đầu từ cây Ô rô, trùng tên cái xóm Ô Rô nặng tình anh bán chiếu ở Cà Mau.
1. Nơi câu chuyện bắt đầu
Cà Mau, với vị trí độc đáo của mình, là nơi được biết đến với nguồn lợi đa dạng từ tôm, cua đến cá, liên quan mật thiết đến các khu vực nuôi trồng có vốn đầu tư đáng kể. Riêng nơi chôn nhau cắt rốn của anh Nhựt – ấp Tân Thành, xã Phú Tân, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau – nơi thấm mặn từ đất, xa nước ngọt – ai nấy đã thấm đòn với kiểu trồng lúa, nuôi tôm “thuyền ai nấy lạo”, mạnh ai nấy làm.
Vào năm 2000 – sau những thành công bất ngờ từ vuông tôm, bà con dòng họ và những chòm xóm bắt đầu hoang mang khi thất bại không rõ nguyên nhân. Một năm kiếm được 30-40 triệu đồng 1ha, thậm chí cầm trong tay 10 triệu đồng/ha, cười như mếu, khóc không thành tiếng. Thu nhập xuống tới mức âm thì sự khủng hoảng tăng lên.
Cha của anh Nhựt, chủ vựa tôm, cua, có 4ha nuôi thủy sản, ban đầu thất bại một lần coi như hụt chân, nhưng nhiều lần, lại gặp lúc suy thoái kinh tế (2008 và 2013) đã đẩy gia đình tới chỗ phá sản. Ðất nhà mênh mông, nuôi tôm không hiệu quả, trên thì lau sậy không biết làm gì! Trai tráng lo di cư tìm việc, con cái ăn học không tới nơi tới chốn, người ở lại dưới quê không có việc làm – rủ nhau nhậu giải sầu riết thành tật. Bức tranh liêu xiêu của ấp Tân Thành là vậy!
2. Hành động
Anh Lâm Quốc Nhựt tốt nghiệp ngành Kỹ thuật cơ khí, học tiếp ngành trồng trọt và bảo vệ thực vật ở Sài Gòn. Khi rà soát danh sách sản phẩm đặc trưng của vùng mặn, anh thấy rất ít loại cây trồng được đề cập, ngoại trừ cây chuối. Các sản phẩm sử dụng dược liệu từ vùng nước mặn lại càng hiếm hoi. Khi quan sát tài nguyên từ khu vực này, có vẻ như mọi thứ đều đang đòi hỏi một cách tiếp cận không theo kiểu truyền thống, thậm chí là một phương pháp đảo ngược hiện tại.
Anh mong muốn tách khỏi con đường mà nhiều người đang phải trả giá.Thay vào đó là thiết kế một mô hình tích hợp, gồm nhiều lớp chắc chắn để thay đổi. Nhát cắt đầu tiên từ cây Ô rô, một loại cây không ai trồng, lớn lên trên vùng mặn.
Ở Cà Mau, người dân dùng rễ và lá trị thủy thũng, đái dắt, thấp khớp, tiểu buốt. Đọt của cây được tận dụng chữa đau gan; lá và rễ được sử dụng để chữa trị các bệnh về đường ruột. Cây Ô rô thường sử dụng kết hợp với những cây thuốc khác, tùy theo từng loại bệnh mà có thể sử dụng Ô rô kết hợp hiệu quả.
(Cây Ô – rô)
Với tất cả những đam mê mà khát vọng đó, vào tháng 10-2021, Anh Lâm Quốc Nhựt đã thành lập Công ty TNHH Nông nghiệp mặn (Halofai). Là Start up cung cấp giải pháp nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu, coi trọng giá trị và làm ra sản phẩm từ các loại thực vật chịu mặn, sử dụng nước mặn và chất thải nuôi trồng thủy sản để tưới thảm thực vật chịu mặn.
3. Trái ngọt từ cây Ô rô
Tháng 6-2022, Nhựt chính thức về Phú Tân, Cà Mau bắt đầu xây dựng nhà xưởng, đầu tư máy móc, trang thiết bị sau gần một năm hướng dẫn tạo dựng vùng nguyên liệu. Ðầu tiên là làm 5ha đất nhà. Lúc thực hành các giải pháp kỹ thuật, chòm xóm theo sát. Anh Nhựt chỉ cho họ cách trồng đúng bài bản, mua cây Ô rô có sẵn ở trong vuông của họ để chế biến.
Hiện nay, 16 hộ thấy hiệu quả đã chủ động tham gia dự án, giao kèo làm ăn với anh Nhựt. Ô rô mọc vô lối không còn là cây vô tích sự, phải phá bỏ mà đã là nguồn dược liệu tự nhiên. Anh giúp họ tổ chức lại vùng trồng cây Ô rô vuông tôm, xử lý bã dược liệu từ quy trình chế biến cây Ô rô bổ sung nguồn thức ăn cho tôm, cua hoặc giúp vệ sinh vuông tôm… Thu nhập của người nuôi tôm, cua có thể kéo thu nhập bình thường từ 45-60 triệu/năm/ha, nay có thể tăng gấp đôi theo mô hình đa tầng.
Tới thời điểm hiện tại Halofai đã đầu tư sản xuất hơn 6 tỉ đồng. Nhà xưởng gần 200m2 làm theo tiêu chuẩn ISO, đầu tư các máy móc chế biến, sử dụng công nghệ chân không, sấy lạnh, năng lượng mặt trời, máy đóng gói, máy nghiền, chiết rót… Mọi người chưa phải đầu tư tiền của, chỉ cần ngưng phá bỏ Ô rô, coi trọng nguồn nước và đất đai bao vuông tôm.
Anh Nhựt chia sẻ: “Quy mô nhà xưởng không lớn, nhưng đủ phương cách để hoàn thiện 3 dòng sản phẩm: Viên uống ADOLI; Nước ép trái sơ ri và Mật ong nguyên chất từ rừng U Minh kết hợp cao Ô rô. Tết tới sẽ có thêm sản phẩm muối chiết xuất từ Ô rô là sản phẩm liên kết với Trường Ðại học Y Dược Cần Thơ. Công suất nước ép sơ ri và mật ong nguyên chất từ rừng U Minh kết hợp cao ô rô là 3.000 hộp/tháng; viên uống ADOLI gia công tại Long An – nhà xưởng đạt chuẩn GMP – là 5.000 hộp/tháng.
( Viên uống Adoli)
Hiện nay, đội ngũ Mentor gồm 5 người, chuyên về công nghệ sinh học, bào chế – công nghiệp dược, sinh học phân tử, công nghệ thực phẩm và phát triển thị trường. Nhân sự dưới quê 10 người, được gởi đi học. Anh Nhựt ấp ủ ước mơ dành 2/3 lợi nhuận để tái đầu tư, lập quỹ học bổng khuyến khích lao động nghèo, hiếu học đi học nghề rồi về địa phương cùng phát triển mô hình. Halofai sẽ giúp các thành viên trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình khi mô hình chạy đều.
(Ban cố vấn doanh nghiệp)
Có hai tia hy vọng chiếu tới Halofai khi Ðề án 844 của Bộ Khoa học và Công nghệ chọn công ty là 1 trong 18 dự án của Việt Nam làm thành viên chương trình khởi nghiệp bền vững toàn cầu. Mới đây, một nhà đầu tư ở Mỹ trao đổi với Nhựt sẽ đồng hành với mảng sản phẩm muối thực vật, không chỉ từ Ô rô. “Ðúng mong muốn trồng loại cây chịu mặn bản địa, ứng dụng công nghệ để làm ra nhiều sản phẩm đặc trưng, tăng thêm thu nhập, thay đổi sinh kế cho người dân của Halofai”,
HALOFAI hy vọng – dần dần mô hình sẽ định dạng như một phần di sản nông nghiệp quan trọng – không chỉ coi trọng tự nhiên mà còn làm rõ sắc thái văn hóa trong từng dòng sản phẩm.
𝑴𝒐̣𝒊 𝒕𝒉𝒐̂𝒏𝒈 𝒕𝒊𝒏 𝒄𝒉𝒊 𝒕𝒊𝒆̂́𝒕 𝒙𝒊𝒏 𝒍𝒊𝒆̂𝒏 𝒉𝒆̣̂:
—————————————————————————
𝐇𝐀𝐋𝐎𝐅𝐀𝐈 – 𝐇𝐔̛𝐎̛𝐍𝐆 𝐕𝐈̣ 𝐓𝐔̛̀ Đ𝐀̂́𝐓 𝐌𝐀̣̆𝐍
𝐇𝐨𝐭𝐥𝐢𝐧𝐞 : 0949 661221
𝐄𝐦𝐚𝐢𝐥 : [email protected]
𝐖𝐞𝐛𝐬𝐢𝐭𝐞 : halofai.com
Trụ sở: Khóm 2, thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau
Vùng nguyên liệu: Ấp Tân Thành, xã Phú Tân, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau
VPĐD: 28 Phan Ngọc Hiển, Phường 2, TP Cà Mau